|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Một số nét văn hoá tiêu biểu:

Ở Đồng Tân có một số nét sinh hoạt văn hóa tiêu biểu được lưu truyền từ ngàn xưa như:

Nếp ở: Theo kiến trúc truyền thống của người Việt, mỗi gia đình đều có 1 dãy nhà trên, 1 dãy nhà ngang, bếp và chuồng trại chăn nuôi. Mỗi gia đình đều có bàn thờ tổ tiên đặt ở gian chính giữa trang trọng nhất. Phụ nữ được ngủ chỗ kín đáo (trong buồng). Nhà vệ sinh, chuồng nuôi gia súc, gia cầm thường đặt xa nơi ở. Quanh nhà thường trồng cây ăn quả lâu năm, vừa để làm thực phẩm và lấy bóng mát.

Nếp ăn: Người dân Đồng Tân sinh hoạt ăn uống theo gia đình. Các thành viên trong gia đình ngồi quay quần bên mâm cơm, ngồi trên chiếu, ghế, đôi khi là ngồi bệt. Trong bữa ăn, con cháu thường lấy bát, so đũa và mời người lớn (theo tôn ti trật tự).

Làm lụng: Theo quan niệm xưa, đàn ông chỉ làm việc lớn như dựng nhà, tạu trâu… Phụ nữ ngoài việc đồng áng phải lo cả việc bếp núc, khâu vá, chăm con.

Dạy dỗ, học hành: Thời phong kiến, chủ yếu con trai mới được đi học. Thế hệ đi trước dạy con cháu theo tư tưởng Nho giáo theo tam cương, ngũ thường, tam tòng, tứ đức. Bên cạnh đó, con cháu được răn dạy lẽ phải của đạo Phật để dạy con cháu tính thiện, lòng nhân nghĩa, khoan dung, độ lượng, vị tha. Các bà, các mẹ cũng chính là người thầy dạy con cái giỏi giang việc nội trợ, vệ sinh, ăn uống...

Giao tiếp: Người dân Đồng Tân có truyền thống mến khách, tôn trọng chữ tín. Khách xa đến nhà, không kể thân sơ, bao giờ cũng mời ở lại ăn cơm cùng gia đình. Bữa cơm đãi khách thường có thịt (hoặc trứng, cá...), rượu cho thêm phần thân mật.

Đám cưới: Cưới hỏi truyền thống cần tới vai trò của mối và trải qua nhiều bước như ăn hỏi, lễ cưới, lại mặt. Trai trong làng lấy vợ thì phải nộp cho làng 1 đồng, trai các làng khác đến làng lấy vợ thì phải nộp cheo 5 đồng (1 gánh thóc tương đương khoảng 50kg). Đồ thách cưới xưa kia gồm 50kg thịt lợn, trầu cau và khoảng 30 đồng tiền mặt, 5 nồi gạo. Hôn nhân ở đây còn mang nhiều dấu vết của thời kỳ mẫu hệ: cưới xong cô dâu về nhà bố mẹ ở. Sang ngày hôm sau hoặc vài ngày sau bố mẹ hoặc chú bác cùng chú rể mới mang lễ vật (con gà, chai rượu) sang làm lễ lại mặt rồi đón dâu về, khi đó cô dâu mới chính thức về ở tại nhà chồng.

Tang ma: Khi gia đình có người chết thì phải trình báo để làng ghi vào sổ tử (khai tử). Về nghi thức, thường mời thầy phù thủy làm bùa (5 cánh bùa) để khi liệm cho vào quan cùng với những đồ dùng quen thuộc của người chết. Sau lễ khâm liệm, quan viên trong làng tổ chức tế 2 tuần. Trong tang lễ, con trai người chết đội mũ rơm, thắt lưng bằng dây gai, dây chuối và chống gậy theo nguyên tắc “bố gậy tre, mẹ gậy vông”. Thời phong kiến, việc tang ma có sự phân biệt thành phần xã hội, nó được thể hiện trong quy mô tổ chức đám tang. Với gia đình giàu có, đám tang được tổ chức theo lệ Tiên thường; với nhà có kinh tế trung bình, khá được tổ chức theo lệ Thanh bái; còn nhà nghèo chỉ tổ chức theo lệ Hống tống.

Tôn giáo, tín ngưỡng:

Tín ngưỡng dân gian ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của người dân Đồng Tân từ rất sớm như: thờ cúng gia tiên, thờ người có công, thờ thành hoàng, thờ mẫu và tứ phủ công đồng...Tín ngưỡng thờ cúng gia tiên được thể hiện rõ nét trong từng gia đình. Ở Đồng Tân, mỗi gia đình đều có bàn thờ gia tiên được đặt nơi trang trọng nhất trong nhà.  Ở Đồng Tân, việc thờ cúng gia tiên có khi đến vài chục đời (khi đó ngày cúng kỵ được gọi là giỗ họ hay giỗ tổ).

Tín ngưỡng thờ Thành hoàng ở Đồng Tân cũng khá đậm nét. Trong văn hóa Việt nói chung, ở Đồng Tân nói riêng, Thành hoàng có thể là một người hoặc nhiều người. Thành hoàng có thể là Nhân thần (Phúc thần), có khi là Thiên thần, Nhiên thần... Đồng Tân có hai cụm di tích thờ Thành hoàng là đình, nghè, miếu ở hai làng cũ: Đồng Áng và Tân Chung

Các tiết lệ trong năm: Các tiết lệ sinh hoạt văn hóa dân gian ở xã Đồng Tân rất phong phú, có thể kể một số sự lệ thường niên như sau:

Lệ Kỳ phúc khai xuân: Lệ diễn ra ở đình làng, có tổ chức tế lễ.

Lệ Thượng nguyên: Tổ chức ở chùa Linh Gióng.

Lệ giỗ thánh Khổng Tử: Tổ chức tháng 3.

Lệ Hạ điền: Tổ chức vào tháng 5, lễ cúng có xôi, chuối và 2 giá văn. Nghi lễ này nhằm cúng tế cho Đức thần Nông, người đã hướng dẫn việc ruộng nương cho dân.

Lễ thượng điền: Tổ chức tháng 7, có 2 giá văn của làng tế 1 tuần trong vòng 1 ngày.

Lệ Thường tân (cúng cơm mới): Tổ chức vào tháng 8, tế 2 giá văn, 1 tuần tế, lễ có xôi chuối, hương hoa.

Lệ cúng Ông Công, Ông Táo: Tổ chức vào ngày 23 tháng Chạp.

Lễ hội, trò chơi dân gian

Lễ hội đình, chùa làng Tân Chung có rất nhiều trò chơi dân gian truyền thống: đánh vật, đánh cờ, chọi gà, xuống sông bắt vịt, bắt phỗng, leo cầu cần, chạy hóa trang, kéo co, đu, đập niêu, bơi chải.

Từ ngày 12 tháng Giêng các nơi thờ tự của làng được dân làng cho mở cửa. Cờ quạt, nghi trượng, các đồ tế khí, thuyền, chải... được đặt xếp vào vị trí qui định. 

Trong những ngày hội hoặc những đêm trăng sáng, trai gái hai bên sông Cầu thường tập trung hát đối, hát ví qua sông. Bên này hát một câu rồi bên kia sông lại hát trả lời. Lời hát tha thiết mượt mà, khi tinh nghịch, khi trêu đùa mà gửi gắm trong đó cả nỗi lòng:

Em về hỏi mẹ hỏi cha

Có cho em lấy chồng xa anh chờ.

Em là con út nhất nhà

Thuận đâu lấy đấy mẹ cha cũng chiều.

Qua những buổi hát như thế, nhiều đôi đã thành vợ thành chồng. Đó là nét đẹp văn hóa rất riêng của những làng quê ven sông.

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 5,583
Tổng số trong ngày: 73
Tổng số trong tuần: 180
Tổng số trong tháng: 3,300
Tổng số trong năm: 22,253
Tổng số truy cập: 42,944