|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Đồng Tân là xã miền núi nằm ở điểm đầu phía chính Bắc của huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Từ thị trấn Thắng (huyện lỵ Hiệp Hòa) ngược hướng tây bắc theo Quốc lộ 37 đến Cầu Ca ở Km97, rẽ trái theo đường đi bến Hà Châu khoảng hơn1km là đến địa phận xã Đồng Tân. Từ đây, rẽ phải đi 1km sẽ đến Ủy ban nhân dân xã Đồng Tân. Xã Đồng Tân có vị trí địa lý như sau: Phía chính Bắc và Đông Bắc giáp xã Kha Sơn; phía Tây Bắc giáp xã Nga My; phía Tây Nam giáp xã Hà Châu (huyện Phú Bình) với ranh giới tự nhiên là dòng sông Cầu; phía Nam giáp xã Thanh Vân (huyện Hiệp Hòa).

Đồng Tân có địa hình phong phú đặc trưng của miền trung du Bắc Bộ, diện tích tự nhiên là 380,92 ha .Ngoài một số núi nhỏ giáp ranh với xã Kha Sơn, xã Đồng Tânđồi, có sông, ngòi, lạch,  bãi bồi, đồng ruộng, vườn tược tạo nên cảnh quan đẹp, thơ mộng. Dựa trên đặc điểm địa hình, nhân dân Đồng Tân trồng cây lương thực, cây ăn quả ở vùng đất ven đất bãi ven làng, vùng đất thấp, trồng cây lương thực, trồng rau màu trên đất soi bãi bên dòng sông Cầu, trồng cây lấy gỗ, cây ăn quả khu vực đồi núi.

Ở xã Đồng Tân có 2 loại đất phù sa đó là đất phù sa cũ và đất phù sa mới màu mỡ. Đất phù sa cũ bạc màu chiếm phần lớn diện tích ở các khu đồng, bãi cao do không được bồi tụ hằng năm, bị rửa trôi và quá trình canh tác của con người. Đất phù sa mới ở ven sông Cầu hay các bãi soi ven ngòi lạch ở Giang Đông, Tân Chung được bồi tụ phù sa hằng năm nên hàm lượng dinh dưỡng cao, thích hợp với việc trồng các loại cây trồng như lúa, ngô, hoa màu, rau các loại... Có dòng sông Cầu chảy qua và có nhiều ngòi lạch nên xã Đồng Tân có tài nguyên nước phong phú. Dòng sông Cầu chảy qua Đồng Tân có độ rộng lớn, nước sâu, dòng chảy êm, độ cao chênh lệch mặt nước với bờ sông không lớn lắm, nước ít bị ô nhiễm nên được khai thác phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng trọt. Trên dòng sông này có tiềm năng nuôi trồng thủy sản lớn nhưng đến nay chưa được khai thác có hiệu quả.

Ngược dòng lịch sử, xã Đồng Tân có nhiều loài cá ngon và quý như cá lăng, cá chạch trấu, cá cháy, cá chép, cá vền. Các loại cá này cơ bản sống ở các ghềnh, các hườm đá dưới lòng sông có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao. Ngày nay, do tác động của phát triển kinh tế khiến sông Cầu bị ô nhiễm, sự khai thác tận diệt của con người nên nguồn lợi thủy sản dần cạn kiệt. Vấn đề bảo tồn nguồn gen, khai thác hợp lý các nguồn lợi thủy sản quý ở Đồng Tân trở thành vấn đề cần được quan tâm hơn bao giờ hết.

Dưới lòng đất Đồng Tân có một số mỏ sét nhỏ, trữ lượng ít, chất lượng sét không cao nhưng có thể khai thác để nung gạch phục vụ các công trình xây dựng nhà ở của nhân dân. Dòng sông Cầu chảy qua khu vực phía bắc huyện Hiệp Hòa (trong đó có Đồng Tân) là nơi lắng đọng, sa bồi nhiều cát sỏi nhất so với các địa phương khác ven dòng sông này. Do đó, cát sỏi là tài nguyên rất lớn của xã Đồng Tân. Các phường thợ xây dựng xưa cũng như các chuyên gia kỹ thuật ngành xây dựng thời nay đánh giá rất cao chất lượng cát, sỏi ở vùng Đồng Tân - Hà Châu. Cát, sỏi Hà Châu đã được khai thác từ hàng trăm năm nay với khối lượng rất lớn nên đến nay trữ lượng lộ thiên cạn dần.

Thời tiết Đồng Tân nằm trong khí hậu vùng trung du miền núi phía Bắc. Dưới tác động luân phiên của gió mùa mùa đông (hướng gió đông bắc - tây nam) và gió mùa mùa hạ (hướng gió tây nam) nên thời tiết ở Đồng Tân chia ra thành 2 mùa nóng và lạnh tương đối rõ rệt). Mùa nóng kéo dài từ tháng 3 đến tháng 11 cùng năm. Mùa này có lượng mưa lớn, tập trung vào các tháng 5, 6, 7, độ ẩm trung bình trên 80%. Đồng Tân cũng là một trong những địa phương có lượng mưa lớn so với các địa phương khác ở tỉnh Bắc Giang. Mùa hè, nhiệt độ trung bình trong khoảng 27 - 28oC, riêng ba tháng hè (tháng 5, 6, 7), nhiệt độ trung bình đều vượt qua khoảng 28 – 30 oC. Nhiệt độ chênh lệch rõ rệt giữa ban ngày và ban đêm từ 4 – 5oC.

 

 

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 9,166
Tổng số trong ngày: 37
Tổng số trong tuần: 144
Tổng số trong tháng: 3,264
Tổng số trong năm: 22,217
Tổng số truy cập: 42,908