|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Trong dòng chảy lịch sử, địa danh, địa giới hành chính xã Đồng Tân nhiều lần thay đổi nhưng cơ bản vẫn thuộc Hiệp Hòa. Theo các tài liệu chính sử và dã sử, thời kỳ Hùng Vương dựng nước, Hiệp Hòa thuộc bộ lạc Tây Âu, nằm trong bộ Vũ Ninh. Thời Lý (thế kỷ X - XIII), Hiệp Hòa thuộc phần đất huyện Thiện Thệ nằm trong phủ Bình Lỗ, lộ Bắc Giang. Thời Trần (thế kỷ XIII - XIV) vẫn không có gì thay đổi so với thời Lý. Thời Lê sơ, huyện Thiện Thệ đổi tên thành huyện Hiệp Hòa thuộc trấn Kinh Bắc. Thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVI - XVIII), Hiệp Hòa thuộc phủ Bắc Hà, xứ/trấn Kinh Bắc.

Năm 1831, dưới triều nhà Nguyễn, Hiệp Hòa thuộc phủ Thiên Phúc, trấn Kinh Bắc, sau đổi thành tỉnh Bắc Ninh. Năm 1895, tỉnh Bắc Ninh được chia tách thành hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, từ đó Hiệp Hòa thuộc tỉnh Bắc Giang.

 Đến cuối thế kỷ XIX, 2 xã Đồng Áng, Tân Chung thuộc tổng Hà Châu, khi ấy miền đất này thuộc tỉnh Thái Nguyên. Năm 1898, 2 xã Đồng Áng, Tân Chung mới được cắt trả về tổng Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa. Đầu thế kỷ XX, xã Đồng Tân ngày nay tương ứng với địa dư 2 xã Đồng Áng và Tân Chung, tổng Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang .

Tên gọi Đồng Tân hôm nay có nguồn gốc từ hai tên gọi, hai địa danh có từ thời kỳ phong kiến, được ghép từ tên xã Đồng Áng và Tân Chung. Sách Địa lý hành chính Kinh Bắc, do học giả Nguyễn Văn Huyên biên soạn đầu thế kỷ XX, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Bắc Giang xuất bản năm 1997 ghi như sau:

Tổng Hoàng Vân có 5 xã:

1. Hoàng Liên xã, nay là xã Hoàng Vân.

2. Thanh Vân xã. Ba thôn: Diễm, Phác, Vòng.

3. Vạn Thạch xã (tên thường gọi: Bến Đá). Hai thôn: Đông, Giữa.

4. Vân Trùy xã (xã Vân Xuyên, nay cũng vậy).

5. Hoằng Lại xã.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, tổng Hoàng Vân có thêm 5 xã:

1. Liễu Ngạn xã (thôn cũ của xã Hoàng Liên, được nâng lên thành xã độc lập năm Thành Thái thứ 4 (1892). Hai thôn: An Đông, Đống Dầu.

2. Đồng Áng xã (thôn cũ của xã Hà Châu, được nâng lên thành xã độc lập năm Thành Thái thứ 10 (1898), tên thường gọi là Kẻ Khốn.

3. Ân Cập xã (thôn cũ của xã Hoàng Liên, được nâng lên thành xã độc lập năm Thành Thái thứ 14 (1902), gồm 5 thôn: Đông Thuận, Nam Chù, Tân An, Tây Hồ, Vĩnh Bảo.

4. Lạc Yên xã (thôn cũ của xã Hoàng Liên, được nâng lên thành xã độc lập năm Thành Thái thứ 14 (1902).

5. Tân Chung xã. (Trước kia xã này thuộc tổng Hà Châu.)

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, 2 xã Đồng Áng, Tân Chung và xã Thanh Vân hợp nhất thành xã Đồng Tiến. Đến cuối năm 1953, xã Đồng Tiến được chia thành xã Thanh Vân và Đồng Tân, trong đó xã Đồng Tân tương ứng với địa dư của 2 xã Đồng Áng và Tân Chung như trước khi sáp nhập năm 1945.

Năm 1963, hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh sáp nhập thành tỉnh Hà Bắc thì huyện Hiệp Hoà vẫn thuộc tỉnh Hà Bắc.

Ngày 06/11/1996, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX ra Nghị quyết chia tỉnh Hà Bắc để tái lập tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh, chính thức hoạt động theo đơn vị hành chính mới từ ngày 01/01/1997. Từ đây, xã Đồng Tân thuộc huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang và ổn định đến ngày nay. Như vậy, trong suốt chiều dài lịch sử, sự phụ thuộc của miền đất Đồng Tân nằm trong biến đổi lớn của quê hương Hiệp Hòa.

Xã Đồng Tân ngày nay có 7 thôn là Đồng Vân, Sơn Đông, Giang Đông, Tiến Lập, Hòa Bình, Quyết Thắng, Thắng Lợi. Trong sinh hoạt và văn hóa truyền thống, xã Đồng Tân vẫn cơ bản được phân định theo làng Đồng Áng (tức Kẻ Khốn) và làng Tân Chung (tức làng Bến).

 

Làng Đồng Áng gồm 3 thôn Giang Đông, Đồng Vân, Sơn Đông nằm ở phía nam của xã tạo thành thế chân kiềng. Làng Đồng Áng có vị trí như sau: Phía Đông (thôn Sơn Đông) giáp thôn Hoàng Lại, xã Thanh Vân; phía Nam và Tây Nam (thôn Đồng Vân) giáp bờ bắc sông Cầu; Phiá bắc và tây bắc (thôn Giang Đông) giáp làng Tân chung bờ bắc sông Cầu.

 Làng Tân Chung gồm 4 thôn Quyết Thắng, Hòa Bình, Thắng Lợi và Tiến Lập nằm ở phía Bắc và đông bắc của xã, ba mặt đông, tây, bắc tiếp giáp với xã Nga My, xã Kha Sơn huyện Phú Bình.

Đồng Tân là miền đất cổ có bề dày lịch sử - văn hóa. Từ thuở “bình minh” của lịch sử đã có vết tích con người sinh sống. Với việc phát hiện xẻng đá Đồng Tân, các nhà khoa học đã chứng minh cách đây từ 3.000 - 4.000 năm (giai đoạn giao thời giữa văn minh hái lượm chuyển sang văn minh trồng trọt), người Việt cổ đã khai thác tài nguyên thiên nhiên phong phú nơi đây. Ngoài việc săn bắn hái lượm, người Việt cổ ở Đồng Tân đã biết đẽo, mài đá cuội thành công cụ (xẻng đá) để trồng trọt .

Vào thời nhà Lý, quê hương Đồng Tân cũng như nhiều làng quê ven bờ sông Cầu được chứng kiến và tham gia cuộc kháng chiến chống Tống do Lý Thường Kiệt chỉ huy (1076 - 1077) và chống Tống do Dương Tự Minh chỉ huy (thế kỷ XII).

Thời Lê Mạc, đất nước không bị giặc ngoại xâm nhưng lại có nội chiến liên miên. Nhân dân Đồng Tân có đóng góp vào công cuộc xây đắp thành lũy của nhà Mạc.

Những cuộc nội chiến tương tàn, công cuộc xây thành đắp luỹ phòng thủ ở khắp nơi của triều Mạc có sự tham góp của nhiều thế hệ nhân dân Đồng Tân.

Thời Lê Trung hưng (1533 - 1788), Đồng Tân thuộc vùng đất phân phong của một số vị quan lại phong kiến. Dấu tích lịch sử văn hóa của thời kỳ này còn in đậm trên các công trình kiến trúc cổ phục vụ các nghi lễ, sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng dân gian như chùa Linh Gióng (Ba Chạ), đình Tân Chung...)

Cuối thế kỷ XIX, nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp xảy ra trên quê hương Bắc Giang, trong đó nhân dân Đồng Tân đều tham gia, đặc biệt là khởi nghĩa Yên Thế do Đề Nắm, sau là Đề Thám lãnh đạo.

Đồng Tân là một vùng đất có truyền thống lịch sử cách mạng. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử các thế hệ người dân nơi đây cần cù lao động, chiến đấu bảo vệ và xây dựng xóm làng góp phần tạo nên một vùng quê tươi đẹp, trù phú. Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhân dân Đồng Tân một lòng theo Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với cả nước, nhân dân Đồng Tân đã thực hiện thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp, 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, thực hiện có kết quả đường lối đổi mới của Đảng. Những thành tựu mà nhân dân Đồng Tân có được trong những năm qua là kết quả của sự lãnh đạo của Đảng, sự phấn đấu không ngừng của nhân dân Đồng Tân.

Trong các giai đoạn lịch sử của dân tộc, giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có một ý nghĩa quan trọng đối với quê hương và nhân dân Đồng Tân. Do nằm ở vị trí địa lý thuận lợi “thuận đường tiến - tiện đường thoái” nơi đây sớm trở thành căn cứ quan trọng nuôi giấu và bảo vệ các đồng chí cốt cán của Đảng ở Trung ương về đây hoạt động. xã Đồng Tân cùng với 15 xã khác trong huyện Hiệp Hoà được Chính phủ công nhận là xã An toàn khu II của Trung ương Đảng sau An toàn khu I của Trung ương ở xung quanh Hà Nội.

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 9,636
Tổng số trong ngày: 25
Tổng số trong tuần: 132
Tổng số trong tháng: 3,252
Tổng số trong năm: 22,205
Tổng số truy cập: 42,896