|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Các công trình kiến trúc văn hóa làm nơi hành lễ và danh lam thắng cảnh ở Đồng Tân gồm

1.Chùa Linh Gióng:

Cổng chùa Linh Gióng

Khởi dựng những năm trước thế kỷ XVII. Đầu thế kỷ XVIII (năm 1703) bị đổ nát nên phải trùng tu, tôn tạo. Khi mới xây dựng có tên chữ là Trù Chúng tự (chùa Trù Chúng), sau đổi là Linh Gióng tự (chùa Linh Gióng), tên Nôm là chùa Ba Chạ. Chùa tọa lạc trên một bãi đất rộng gần với bờ sông Cầu, ngoảnh hướng nam ghé tây quay mặt ra cánh đồng cửa Chùa của thôn Tân Chung. Chùa có bố cục mặt bằng hình chữ “công”, quy mô to lớn, hai bên có nhà bếp và nhà cho khách sắp lễ, cùng nhiều công trình khác. Trước ca chùa có cây hương đá có niên hiệu Chính Hòa năm thứ 24 (năm 1703). Tiền đường chùa gồm 3 gian 2 chái, 4 đầu đao, 4 mái lợp ngói mũi, bờ nóc đắp nổi lưỡng long chầu nguyệt. Kết cấu bên trong gồm 4 vì, mỗi vì 3 hàng chân cột, đường kính các cột là 0,25m. Vì gian giữa được gắn kết theo lối kẻ chuyền, độc trụ; vì gian bên gắn kết theo lối chồng giá chiêng. Trong chùa có nhiều hoành phi câu đối và 48 pho tượng Phật. Hệ thống tượng Phật ở chùa là những pho tượng cổ được làm bằng chất liệu gỗ mít và đắp bằng đất, tạc từ đá. Mỗi pho tượng ở mỗi tư thế khác nhau. Pho thì tọa thiền, pho đang truyền đạo nhưng hầu hết các tượng Phật trong chùa đều được chạm khắc tinh tế theo quy cách tượng Phật quy chuẩn. Tuy nhiên, do cấu kết đường nét tự nhiên của từng pho nên không bị thô cứng mà mềm mại, uyển chuyển, sống động. Tất cả hệ thống tượng phật ở chùa Linh Gióng được phủ một lớp sơn son thếp vàng tạo ra cảm giác lung linh huyền ảo và tôn nghiêm. Bộ tượng hòa trong không gian kiến trúc của chùa nên càng tôn thêm vẻ đẹp của giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ của khu di tích. Hội chùa tổ chức vào ngày 12, 13, 14 tháng Giêng.

Chùa Linh Gióng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh (loại hình di tích lịch sử văn hoá) tại Quyết định số 2487 ngày  ngày 31/12/2009.

 

Chùa Linh Gióng

2. Đình Tân Chung:

 Đình Tân Chung là công trình kiến trúc được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ XVII) Ngôi đình xưa với quy mô to đẹp bề thế có 4 đao, 4 mái, 3 mặt ván bưng tường sau xây bằng đá ong, nóc có rồng chầu mặt nguyệt, bờ nóc, bờ dải đắp hoa chanh, bên trong lát sàn gỗ xung quanh và lòng giếng ở giữa. Qua thời gian ngôi đình cổ đã biến dạng xuống cấp. Năm 1941,1942 nhân dân đã rỡ bỏ phần sàn, xây lại bằng gạch. Năm 1975 làm lại nền lấp lòng giếng, xây, làm lại hậu cung đình với 2 gian xây gạch làm nơi thờ thành hoàng. Giai đoạn những năm 1994,  năm 2009 tiếp tục trùng tu, tôn tạo cho tới nay ngôi đình vẫn giữ được dáng vẻ bề thế, uy nghiêm gồm 3 gian toà tiền tế và 2 gian toà hậu cung. Xung quanh đình là những cây đa, cây đề, cây phượng cổ thụ. Hội đình Tân Chung diễn ra vào ngày mồng 4 tháng Giêng và ngày mồng 10/10 âm lịch.

Đình Tân Chung đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh (loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật) tại quyết định ngày 30/01/2004.

Đình Tân Chung

 

 

3. Đình Đồng Áng:

Đình Đồng Áng còn gọi là đình Đồng Vân, được khởi dựng từ những năm đầu thế kỷ XX thờ ngũ vị Thành hoàng (Đại Đông Giang đại vương, Tiểu Đông Giang đại vương, Cao Sơn Quý Minh đại vương, Diên Bình công chúa, Thiều Dung công chúa). Đình được khởi dựng và hoàn thành vào năm Khải Định thứ 2 (năm 1917) do sự hưng công của dân làng cùng sự đóng góp khích lệ của cụ Ngô Văn Tác (nhân dân quanh vùng quen gọi là cụ Đồ Tác), một nhà Nho yêu nước thi đỗ Tam trường và từng tham gia khởi nghĩa Bãi Sậy của thủ lĩnh Nguyễn Thiện Thuật. Khởi nghĩa Bãi Sậy thất bại, cụ Ngô Văn Tác trở về quê hương dựng 3 gian nhà làm nơi dạy học và đón vợ con Tán Thuật về chăm nom, nuôi dưỡng. Khởi nghĩa Yên Thế nổ ra, hưởng ứng lời kêu gọi của thủ lĩnh Đề Thám, gia đình cụ Ngô Văn Thấu là nơi hội tụ của trai tráng trong vùng, đầu quân ứng nghĩa trước khi lên căn cứ địa Phồn Xương. Trên hai câu đầu đình làng Đồng Vân xưa ghi rõ, một bên là: Vân Xuyên, Ngô tiên sinh sáng thành dã (Ngô Tiên sinh, người xã Vân Xuyên sáng lập và hoàn thành), một bên ghi: Hoàng triều Khải Định nhị niên tác thành (hoàn thành vào năm Khải Định thứ 2 - năm 1917). Rất tiếc do quan niệm sai lầm, khi tu sửa đình, dân làng đã bỏ dòng chữ đề tên cụ Đồ Tác với lý do tên cụ không được đối với niên hiệu vua Khải Định...

Cột đồng trụ đình Đồng Vân ngày nay còn lưu đôi câu đối của cụ:

Phong thanh nguyệt bạch nhàn lai vãng

Địa kỷ thiên trường cộng thủy chung.

Sau cụ còn giúp nhân dân thôn Vạn Già (nay thuộc huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) làm đình Vạn Chài để tôn thờ thành hoàng và nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa. Có đình làng, dân chài đã ổn định cuộc sống và luôn ghi tạc công lao của cụ.

Cổng đình Đồng Áng

Đình Đồng Áng có kiến trúc theo phong cách tương đối mới nhưng có nhiều mảng chạm khắc theo đề tài tứ linh, tứ quý tương đối đặc sắc. Tiền tế có ba gian, liền kề phía sau có hai gian chuôi vồ làm Hậu cung theo bố cục chữ đinh, kết cấu các vì mái theo kiểu thức thượng con chồng tứ trụ, hạ cốn nách, bảy hiên. Tường xây bình đầu bít đốc, phía trước có hai đồng trụ quả dành. Đảy là địa chỉ đỏ của An toàn khu II thời kỳ tiền khởi nghĩa.

Đình Đồng Áng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh (loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật) tại Quyết định số 172 ngày 02/02/2005.

 

Đình Đồng Áng

 

4. Đình Giang Đông:

Đình Giang Đông nằm ở cuối thôn, khởi dựng cuối thế kỷ XIX, trên mảnh đất của gia đình cụ Giá Dứa hiến cho làng, đình thờ thánh Tam Giang, quan nguỵ vương hành khiển (do thiên đình hàng năm cử xuống) và quan bản thổ. Trước đây khi mới lập trại, lập làng điếm thờ được khởi dựng ở trong thôn, sau đó do dân cư chuyển đến quần tụ đông dần nên đã lập dựng xuống phía cuối thôn thuận lợi cho nhân dân trong thôn thờ cúng, khi đó dựng lên qui mô nhỏ là điếm thờ bằng tre gỗ, về sau thời kỳ Hợp tác xã điếm cũ xuống cấp nên đã được sửa xây theo kiểu cuốn mui bằng gạch xi măng. Đến những năm 1992 sau khi chuyển đổi cơ chế hợp tác xã nông nghiệp, Ban quản lý thôn đã chuyển một phần nguyên vật liệu gạch ngói từ nhà kho cũ sang để xây dựng, tôn tạo trên nền đất cũ, kiến trúc mới qui mô lớn hơn mang tầm dáng của một ngôi đình gồm toà 3 gian ngoài, 1 hậu cung nhằm để vừa hội họp dân vừa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng thờ thành hoàng làng và một số lễ tiết trong năm của 2 giới các cụ. Hằng năm lễ đình vào ngày mồng 5, mồng 6 tháng Giêng, (có tổ chức hội lệ vào ngày mồng 6 tháng giêng) và vào ngày mồng 9 tháng 10 âm lịch .

Đình Giang Đông

          5. Soi quýt

          Di tích lớp huấn luyện quân sự tại Soi Quýt thôn Giang Đông, xã Đồng Tân, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang thuộc di tích An toàn khu II trong thời kỳ trước tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Tháng 2 năm 1945 ta mở hai lớp huấn luyện quân sự cho 30 thanh niên làng Đồng Áng và Tân Chung do đồng chí Lương Văn Cửu và đồng chí Mai Hồng (cán bộ du kích Bắc Sơn) huấn luyện 21 ngày tại Soi Quýt nhà ông Tạ Văn Phiên thôn Giang Đông. Lớp huấn luyện được bảo vệ an toàn cho tới khi kết thúc, toàn bộ hậu cần do nhân dân trong làng đảm nhiệm cung cấp. Học viên của làng Đồng Áng sau khi học xong đã sang xã Nga My và xã Kha Sơn để huấn luyện cho tự vệ.

Soi Quýt - thôn Giang Đông

 

6. Miếu Lỗ Nô :

Miếu Lỗ Nô Làng Tân Chung nằm tại thôn Thắng Lợi, nguyên gốc đối tượng thờ cúng chưa rõ là ai, nay nhân dân thờ 3 vị công chúa: Ngọc Hoa công chúa, Ngọc Dinh công chúa, Ngọc Long công chúa và thờ quan thổ thần, thổ địa... cúng giỗ vào ngày 11 tháng 2 âm lịch hàng năm.

Miếu Lỗ Nô

7. Nghè sắc

Nghè sắc thuộc thôn Quyết Thắng, làng Tân Chung, là nơi lưu giữ bảo quản sắc phong, nơi rước sắc về Đình ngày lễ hội.

8. Điếm Đồng Vân

Thuộc thôn ĐồngVân, làng Đồng Áng, là nơi thờ quan thần thổ công, thổ địa của nhân dân thôn Đồng Vân                                                                              

9. Thắng cảnh Sông Cầu:

Thác rừng tre Tân chung của Sông Cầu mùa cạn

Thác Soi Máng thôn Giang Đông mùa nước cạn

Bến Hồ đoạn sông Cầu chảy qua địa phận thôn Đồng Vân

Cầu treo Đồng Tân-Hà Châu bắc qua sông Cầu trụ cầu phía Đồng Tân

 

Như bao dòng sông chảy trên đất Việt, “con sông Cầu  nước chảy lơ thơ”  đã đi vào huyền thoại,  vào câu hát dân ca thấm đậm tình người, làm đẹp cho bản sắc văn hóa của dân tộc ta từ ngàn đời nay. Nó còn ghi lại những trang sử hào hùng về huyền thoại dựng nước và giữ nước vẻ vang mấy ngàn năm của dân tộc. Con sông hiền hòa ôm ấp bao làng quê trù phú,  mang dòng nước nặng phù sa tưới mát cho những cánh đồng lúa, ngô thêm trĩu hạt, mẩy bông.

Các bãi ngô đông soi Hồ, soi Nổi mùa trổ cờ, thu hoạch

 

         Giữa mênh mông của đất trời, sông, núi ta xuống thuyền xuôi theo dòng nước ngắm nhìn cảnh đẹp đến nao lòng ở những khúc quanh co, uốn lượn của dòng sông. Dừng chân lên bờ ghé thăm những vùng đất có di tích văn hóa - lịch sử còn lưu lại trên vùng quê thượng huyện (Đồng Tân) để thấy hết được khí thiêng sông, núi ngàn năm từ thủa Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt nhổ tre làng đánh giặc, đến Lý Thường Kiệt đọc bài thơ thần bất hủ tạc tên nước Việt ta lên “Sách Trời” âm vang trên bến Như Nguyệt lịch sử. Rồi những ngày sục sôi giành chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 để có thêm nhuệ khí bước tiếp trên những chặng đường mới tới một tương lai tươi sáng hơn.

Chạy dọc từ phía Tây Bắc đến phía Tây Nam của xã Đồng Tân, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đoạn sông Cầu chảy uốn lượn trên những bãi cà, bí, soi ngô, xanh mướt, mượt mà. Từ bao đời nay, sông Cầu không chỉ cung cấp nước tưới tiêu và phù sa cho soi bãi của bà con nông dân xã Đồng Tân  mà nơi đây còn là thắng cảnh thiên nhiên đẹp cho người dân và du khách đến đây.  Con sông đã đi vào kí ức không thể phai mờ của mỗi người con xa quê.

 

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 5,831
Tổng số trong ngày: 95
Tổng số trong tuần: 202
Tổng số trong tháng: 3,322
Tổng số trong năm: 22,275
Tổng số truy cập: 42,966